Tạm trú 5 năm mới mong thành người Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô quy định người ngoại tỉnh muốn đăng ký thường trú ở Hà Nội phải có 5 năm liên tục tạm trú và phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất gấp 2 lần mức lương tối thiểu.


"Phải cho Thủ đô công cụ"

Điều 19 của dự thảo lần 3 Luật Thủ đô được báo cáo hôm nay (16/1) nêu rõ, ngoài các điều kiện đã được pháp luật về cư trú quy định, chính quyền TP Hà Nội ban hành văn bản để đảm bảo công dân muốn đăng ký thường trú tại Thủ đô phải đáp ứng yêu cầu là đã tạm trú liên tục tại Thủ đô từ 5 năm trở lên.

Mô tả ảnh.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Chúng ta đòi hỏi Thủ đô phải văn minh, sạch đẹp thì cũng phải cho Thủ đô cơ chế, công cụ để thực hiện được mong muốn đó. Ảnh: Cao Nhật

Đối với các trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có chỗ ở hợp pháp đó.

Thêm vào đó, người lần đầu đăng ký thường trú tại Thủ đô phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng 2 lần mức lương tối thiểu của người lao động do pháp luật quy định.

Theo điều 20 của Luật Cư trú (có hiệu lực từ tháng 7/2007), công dân tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên.thì được đăng ký thường trú tại thành phố đó. 

Mặc dù chưa đi vào chi tiết nhưng giải thích phần nào cho việc này, Bí thư Phạm Quang Nghị thẳng thắn: "Nhiều người than phiền về văn hóa, nếp sống của Thủ đô, bảo rằng Hà Nội là Thủ đô nhưng quy định về nhập cư của Hà Nội cũng chẳng khác gì với các nơi khác thì làm sao Hà Nội tránh được những điều đó".

Bí thư Hà Nội nói thêm: "Nếu phạt vi phạm hành chính ở Hà Nội như các địa phương khác thì không đủ mức răn đe, chi bằng phạt nặng để ít người bị phạt hơn".

Theo ông Phạm Quang Nghị, thực tế, khi một người nhập cư vào Hà Nội là kéo theo cả vợ con, bố mẹ, họ hàng, người giúp việc... từ nông thôn ra.

"Chúng ta đòi hỏi Thủ đô phải văn minh, sạch đẹp thì cũng phải cho Thủ đô cơ chế, công cụ để thực hiện được mong muốn đó. Nếu không, đó cũng chỉ là khẩu hiệu", Bí Thư Hà Nội giãi bày.

"Làm những điều này để hướng đến một Thủ đô văn minh, lịch sự chứ không phải chúng ta "cục bộ" vì những người đang sống trong Thủ đô".

"Siết" điều kiện làm việc tại Thủ đô

Ngoài ra, dự thảo Luật với 7 chương và gần 60 điều còn quy định người thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc tại Hà Nội phải có giấy phép lao động do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp.

Tuy nhiên, theo dự thảo thì các quy định này (bao gồm cả những quy định về cư trú đã nói ở trên) sẽ không áp dụng đối với những người được chính quyền TP có chính sách ưu tiên tuyển dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, sau 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý của Pháp lệnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày một mạnh mẽ của Thủ đô.

Ông Khanh dẫn chứng, điều 20 Luật Cư trú hiện hành đã mở rộng quyền tự do cư trú của công dân, mở rộng điều kiện đăng ký thường trú. Do vậy, người tỉnh ngoài về Hà Nội làm ăn, sinh sống, lao động được đăng ký thường trú ngày càng nhiều. Điều này đang gây sức ép rất lớn về gia tăng dân số cơ học vào Thủ đô.

"Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến lao động nhập cư, lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thành phố chưa được quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong xã hội",  ông Khanh nhấn mạnh.

Ủng hộ quan điểm của dự luật là Hà Nội cần có cơ chế đặc thù về quyền hạn và trách nhiệm nhưng về lĩnh vực cư trú, điều mà Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công an Nguyễn Ngọc Anh băn khoăn là phải làm sao "dung hòa được yêu cầu về quyền tự do cư trú của công dân và trách nhiệm quản lý nhà nước".

Còn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, trưởng ban soạn thảo Luật Thủ đô nhấn mạnh, để đạt được tiến độ mong muốn là trình và được Quốc hội thông qua trong năm 2010, khối lượng công việc của Ban soạn thảo là rất lớn.

Theo ông, "cái chính là làm sao có cơ chế để Hà Nội có thể tự quyết được nhiều vấn đề có tính chất đặc trưng từ thực tiễn phát triển của mình để quản lý, phát triển Thủ đô xứng đáng hơn với kỳ vọng của cả nước".

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định: "Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu các ý kiến khác nhau để làm sao khi có hiệu lực, Luật mới sẽ đi vào cuộc sống, không dừng lại ở tính hình thức, khẩu hiệu".

              Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính

Chính quyền TP có thẩm quyền quy định các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn thành phố như nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, quy định về điều kiện lưu hành phương tiện giao thông, hạn chế đăng ký lưu hành các loại phương tiện.

Chính quyền TP có quyền hạn và trách nhiệm quyết định mức thu các loại phí theo quy định của pháp luật liên quan trong việc sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc thẩm quyền quản lý.

Trích dự thảo Luật Thủ đô

  • Cao Nhật
Cửa cuốn Austdoor
Cửa cuốn Austdoor
Thiết kế và phát triển website bởi kenhdichvu.vn